"Đang tải dữ liệu..."

Thu hút đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp tại Cẩm Thủy

Thời gian qua, UBND huyện Cẩm Thủy đã vận dụng linh hoạt các chính sách ưu đãi để hỗ trợ, khuyến khích và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật tại các CCN nhằm tạo thuận lợi thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Hiện trên địa bàn huyện Cẩm Thủy được quy hoạch 3 CCN, với tổng diện tích 94,5 ha. Trong đó, CCN Cẩm Tú đã quy hoạch chi tiết 1/500, tổng diện tích 19,5 ha; CCN Cẩm Châu diện tích quy hoạch 25 ha và CCN Cẩm Sơn diện tích khoảng 50 ha. Trên cơ sở các CCN được quy hoạch, UBND huyện Cẩm Thủy đã vận dụng chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật CCN. Trong đó, đối với các doanh nghiệp, liên hiệp HTX, HTX khi thuê đất đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN chưa được hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật từ ngân sách Trung ương, sẽ được hỗ trợ thêm một phần kinh phí để đầu tư các hạng mục, như: san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, cấp điện chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc nội bộ, nhà điều hành, nhà bảo vệ phục vụ cho hoạt động của CCN. Đồng thời, các CCN trên địa bàn còn được hưởng cơ chế hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha, mức hỗ trợ tối đa không quá 28 tỷ đồng/CCN… khi hoàn thành dự án và thu hút được 30% dự án đầu tư thứ phát. Cùng với đó, UBND huyện Cẩm Thủy đã thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong suốt quá trình triển khai, thực hiện dự án. Nhờ đó, tính đến hết tháng 3-2022, các CCN trên địa bàn đã thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, Công ty CP Điện năng lượng tái tạo Toàn Cầu làm chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN Cẩm Châu. Đồng thời, thu hút được Công ty TNHH MTV Đầu tư Vũ Gia Thanh Hóa xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất, kinh doanh trên diện tích 8,5 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 48,8%; CCN Cẩm Tú đã có 3 doanh nghiệp thuê đất đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng diện tích 7,52 ha, tỷ lệ lấp đầy 58,4% và tại CCN Cẩm Sơn, tuy mới có quyết định thành lập cuối năm 2021 nhưng đã có Công ty CP Đầu tư CCN APG đăng ký đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Nhà máy Sản xuất sợi dệt An Phước tại Cụm công nghiệp Cẩm Tú.

Thực tế cho thấy, các CCN trên địa bàn huyện Cẩm Thủy được thành lập, thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã tạo ra nền tảng cơ bản để thu hút các nhà đầu tư thứ phát, các thành phần kinh tế đầu tư vào địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng của ngành nông nghiệp.

Đại diện Phòng Kinh tế – Hạ tầng, UBND huyện Cẩm Thủy cho biết: Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, UBND huyện đã thông báo công khai, rộng rãi cho các nhà đầu tư tham gia đăng ký đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật tại các CCN để từ đó lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, huyện sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong hỗ trợ, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào CCN và thực hiện các ưu đãi về đầu tư hạ tầng CCN theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả công tác thu hút đầu tư, huyện đã và đang thực hiện cải cách hành chính, rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để đề xuất, kiến nghị tỉnh và các cấp Trung ương hỗ trợ, giải quyết. Đồng thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các CCN cũng như thu hút các dự án thứ phát, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đăng ký nhận tin